iylee © 2016 ⊹

Blog Archive

Wednesday, May 11, 2016

Quyền Lực Thứ Tư - Chương 23

Báo
THE TIMES
Ngày 29 tháng Mười, 1966
NĂM 1975 - MỤC TIÊU ĐÀO KÊNH HẾT HẠN BỐN NĂM ĐỂ XÂY DỰNG
"Cô Levitt sẽ cùng tôi tới Paris". Armstrong nói. "Hãy đặt cho tôi hai vé khoang hạng nhất và phòng như thường lệ ở khách sạn George V."
Sally thực hiện các yêu cầu của anh như thể đây là một vụ giao dịch bình thường. Cô mỉm cười khi nghĩ tới những điều hứa hẹn được để đến cuối tuần và sau đó bị thất hứa, về những món quà được đề nghị nhưng chẳng bao giờ thành hiện thực. Sáng thứ Hai cô phải sẵn sàng cùng cô gái, giống như người tiền nhiệm - nhưng có giờ lương cao hơn bất kỳ cơ quan nào dám trả cho những nhân viên hợp đồng thậm chí còn nhiều kinh nghiệm hơn.
Khi Armstrong từ Paris trở về vào sáng thứ Hai, Sally không thấy Sharon. "Cuộc gặp với Alexander Sherwood diễn ra thế nào?" Cô hỏi sau khi đặt bưu phẩm buổi sáng lên bàn anh.
"Chúng tôi đã thống nhất giá cả cho một phần ba cổ phần của ông ấy trong tờ Globe." Armstrong hoan hỉ nói. Truớc khi Sally có thể hỏi thêm chi tiết, anh nói thêm, "Việc tiếp theo của cô là xem cuốn catalô những món hàng được nhà bán đấu giá Sotheby ở Geneva đưa ra bán sáng thứ Năm."
Cô không chớp mắt khi lật qua ba trang của quyển lịch làm việc. "Sáng nay ông có hẹn vào lúc 10 giờ, 11 giờ và 11 giờ 45. và ăn trưa với William Bason, Chủ tịch hãng Reuter. Ông đã hẹn lại ông ấy hai lần rồi."
"Vậy thì cô sẽ phải hẹn lại lần thứ ba," Armstrong nói, chẳng buồn nhìn lên.
"Cả cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Tài chính?"
"Tất tật," anh nói. "hãy đặt cho tôi hai vé hạng nhất tới Geneva vào tối thứ Tư, và phòng như thường lệ ở khách sạn Le Richemond nhìn được ra hồ."
Vậy là Sharon lại phải trải qua một cuộc dạo chơi thứ hai.
Sally đã nói chuyện điện thoại với bảy người được hẹn vào thứ Năm, biết rõ là có lý do chính đáng để Dick hoãn cuộc hẹn với Bộ trưởng và Chủ tịch hãng Reuter. Nhưng anh định mua gì nhỉ. Cái duy nhất anh đã từng mua là những tòa báo, mà người ta không thể mua một thứ như vậy ở nhà bán đấu giá.
Sally quay lại phòng làm việc và bảo Benson đánh xe đến nhà bán đấu giá Sotheby ở phố Bond mua cuốn catalô giới thiệu hàng sẽ bán ở Geneva. Một giờ sau đó khi anh ta đưa nó cho cô, thậm chí cô còn ngạc nhiên hơn. Trước đây chưa bao giờ Dick tỏ ra quan tâm tới việc sưu tập trứng. Có lẽ đó là sự liên lạc với người Nga. Vì rõ ràng Sharon không hề mong đợi có một tác phẩm của Fabergé cho hai đêm làm việc?
oOo
Tối thứ Tư, Dick và Sharon bay tới Geneva và nghỉ ở Le Richemond. Trước bữa ăn tối họ tản bộ tới khách sạn de Bergue ở trung tâm thành phố, nơi Sotheby luôn tiến hành những buổi bán đấu giá của họ ở Geneva, để xem xét kỹ căn phòng, nơi sẽ diễn ra cuộc bán đấu giá.
Armstrong xem nhân viên khách sạn xếp ghế và ước tính sẽ có khoảng bốn trăm người tham dự, quỵết định nơi anh cần ngồi để chắc chắn rằng mình có thể nhìn rõ người điều khiển cuộc bán đấu giá cũng như một loạt chín máy điện thoại đặt trên bục cao ở một bên tường. Khi anh và Sharon rời đi, anh còn dừng lại nhìn khắp phòng một lượt nữa.
Ngay khi quay về khách sạn, Armstrong vào ngay phòng ăn nhỏ nhìn ra hồ và đến thẳng chiếc bàn nằm trong góc. Anh đã ngồi đó rất lâu trước khi người hầu bàn nhắc anh rằng bàn đã được một vị khách khác đặt trước. Anh đặt món cho mình và sau đó chuyển tờ thực đơn cho Sharon.
Khi đợi món thứ nhất, anh bắt đầu phết bơ vào miếng bánh mì trên đĩa, ăn xong, anh với tay qua bàn và lấy miếng bánh trong đĩa của Sharon. Cô tiếp tục lật các trang cuốn catalô của Sotheby.
"Trang bốn chín," anh lúng búng nói. Sharon lật nhanh qua mấy trang nữa. Đôi mắt cô dừng lại ở một đồ vật mà ngay cả tên của nó cô cũng không đọc được.
"Cái này để bổ sung cho một bộ sưu tập?" Cô hỏi, hy vọng nó có thể là quà tặng cho cô.
"Đúng", anh đáp, miệng vẫn còn đầy thức ăn, "nhưng không phải của tôi. Tôi chưa bao giò nghe nói về Fabergé cho đến tuần trước," anh nói thêm. "Nó chỉ là một phần của vụ giao dịch lớn hơn nhiều mà tôi đang tham gia."
Đôi mắt Sharon tiếp tục lướt xuống cuối trang, bỏ qua sự mô tả chi tiết về việc kiệt tác này đã được lén lút đưa ra khỏi nước Nga vào năm 1917 như thế nào, và dừng lại ở giá ước tính.
Armstrong luồn tay dưới gầm bàn và đặt lên đùi cô.
"Ông sẽ lên tới mức nào?" Cô hỏi, vì một người phục vụ đã đến bên và đặt một bát trứng cá lớn trước mặt họ.
Armstrong nhanh chóng rụt tay lại, chuyển sự chú ý vào món khai vị.
Kể từ chuyến đi nghỉ cuối tuần ở Paris họ luôn qua đêm với nhau, và Dick không thể nhớ được đã bao lâu rồi anh mới lại bị ám ảnh bởi một người - nếu có. Sally rất ngạc nhiên khi thấy anh rời khỏi văn phòng rất sớm, và mất mặt cho tới tận mười giờ sáng hôm sau.
Cứ buổi sáng, sau khi ăn xong anh lại ngỏ ý muốn mua cho cô một món quà, nhưng cô thường từ chối, điều này khiến anh đâm sợ mất cô. Anh biết đây không phải là tình yêu, nhưng dù là cái gì, anh hy vọng nó sẽ kéo dài. Anh luôn sợ hãi khi nghĩ tới chuyện ly hôn, mặc dù giờ đây anh chỉ còn coi Charlotte như một nghĩa vụ và thậm chí không thể nhớ nổi họ đã ngủ với nhau lần cuối vào lúc nào. Nhưng điều làm anh khuây khỏa là Sharon chưa bao giờ nhắc tới chuyện cưới. Đề nghị duy nhất cô đưa ra, cô vẫn nhắc anh, cho họ điều tốt đẹp nhất của cả hai thế giới. Anh đã dần thay đổi quan điểm để hòa vào niềm mong ước của cô.
Sau khi tô trứng cá hết nhẵn được dọn đi, Armstrong hất đầu tấn công món bít tết chất đầy trong đĩa đến nỗi món rau anh gọi thêm phải san vào những đĩa khác. Bằng cách dùng hai chiếc dĩa anh thấy mình có thể ăn ở hai dĩa một lúc, trong khi Sharon tự bằng lòng với việc ngồi nhấm một lá rau diếp và nghịch mấy con cá hồi hun khói. Anh sẽ yêu cầu dọn lần thứ hai món bánh ga tô Black Forest nếu cô không bắt đầu luồn đầu ngón chân phải vào giữa đùi anh.
Anh thả chiếc khăn ăn xuống bàn, ra khỏi phòng ăn đi về phía thang máy. Sharon theo sát gót. Anh bước vào và ấn nút tầng bảy, cánh cửa đóng lại vừa đúng lúc để ngăn một đôi vợ chồng lớn tuổi vào cùng họ.
Khi lên tới tầng của mình anh yên tâm vì trong hành lang không có ai khác, vì nếu có, họ có thể không khó gì để nhận ra tình trạng của anh.
Khi anh dùng gót chân hất tung cửa phòng ngủ, cô kéo anh xuống sàn và bắt đầu cởi áo sơ mi của anh. "Em không thể đợi lâu hơn được nữa," cô thì thầm.
Sáng hôm sau, Armstrong ngồi vào bàn vừa ăn sáng vừa xem tỷ giá hối đoái giữa đồng franc Thụy Sỹ và đồng bảng trong tờ Financial Times.
Ở góc kia căn phòng Sharon đang ngắm mình trong chiếc gương lớn, với chiếc váy dài. Khi đã vừa lòng, cô mỉm cười và quay một vòng trước khi bước lại bàn. Cô đặt cái chân dài thon thả lên tay vịn ghế của Armstrong. Anh để rơi con dao phết bơ xuống thảm khi cô bắt đầu kéo chiếc tất đen dài. Lúc cô đổi chân thì anh đã đứng trước mặt cô, thở dốc khi cô luồn tay vào trong váy.
"Chúng ta còn thời gian không?” Anh hỏi
"Đừng lo đến thời gian, anh yêu. Cuộc bán đấu giá không bắt đầu trước 10 giờ đâu," cô thì thầm, cởi khuy áo nịt ngực và cứ thế kéo anh ngã xuống sàn.
Họ rời khách sạn vài phút trước lúc 10 giờ, nhưng vì món đồ duy nhất Armstrong quan tâm không có khả năng được đưa ra bán trước 11 giờ, họ nắm tay nhau đi dọc theo bờ hồ, chậm rãi hướng về phía trung tâm thành phố và khoan khoái tận hưởng sự ấm áp của ánh mặt trời buổi sáng.
Khi họ bước vào sảnh khách sạn de Bergue, Armstrong cảm thấy một nỗi e sợ kỳ lạ. Mặc dù anh đã từng mua tất cả những gì anh muốn trong cuộc đời, đây là lần đầu tiên anh tham dự một cuộc bán đấu giá. Song anh đã được chỉ dẫn tường tận về việc phải làm, và ngay lập tức anh bắt đầu thực hiện những chỉ dẫn. Ở cửa vào phòng khiêu vũ anh xưng tên cho một trong số những cô gái mặc váy dài thanh nhã ngồi sau chiếc bàn dài. Cô ta nói tiếng Pháp và anh trả lời cũng bằng tiếng Pháp, giải thích rằng anh chỉ quan tâm tới lô bốn mươi ba. Armstrong ngạc nhiên thấy hầu hết các ghế đã có người ngồi, ngay cả chỗ mà anh đã định từ tối hôm trước. Sharon chỉ vào hai ghế còn trống ở mé bên trái phòng phía dưới. Armstrong gật đầu và dẫn cô đi xuống. Khi họ ngồi xuống, một người đàn ông trẻ mặc chiếc áo sơ mi hở cổ ngồi xuống ghế sau họ.
Armstrong thấy từ vị trí này anh nhìn rõ người xướng giá cùng như dãy điện thoại tạm lắp, một trong số chúng được một điện thoại viên nắm giữ. Chỗ ngồi này không tiện lợi như chỗ anh chọn lúc đầu, nhưng anh thấy chẳng có lý do gì để nó ngăn cản anh thực hiện vai trò của mình trong vụ mua bán.
"Lô mười bảy," người xướng giá đứng trên chiếc bục trước mặt tuyên bố. Armstrong lật trang tương ứng trong quyển catalô, và nhìn xuống quả trứng Phục sinh bằng bạc mạ vàng có bốn chữ thập với những chữ lồng bằng men màu xanh da trời của Nga hoàng Nicholas II, được Peter Carl Fahergé làm năm 1907 theo đơn đặt hàng cho Hoàng hậu Nga. Anh bắt đầu tập trung vào cuộc trả giá.
"Hình như tôi nghe thấy trả 10. 000?" Ngưòi xướng giá hỏi và nhìn quanh phòng. Anh ta gật đầu với một người nào đó ở đằng sau. "Mười lăm nghìn." Armstrong cố theo dõi những tiếng trả giá khác, mặc dù anh không chắc chúng phát ra từ đâu, và khi lô mười bảy cuối cùng được bán với giá 45. 000 franc, anh vẫn chẳng biết ai là người mua. Và anh cũng ngạc nhiên như thế khi người xướng giá gõ búa xuống mà không nói "Lần một, lần hai, bán."
Cho đến khi người xướng giá bán lô số hai mươi lăm, Armstrong đã cảm thấy tự tin hơn một chút, và đến lô số ba mươi anh nghĩ rằng thậm chí anh có thể chấp cả người mua sành sỏi. Đến lô ba mươi lăm anh thấy mình đã là một chuyên gia, nhưng đến lô bốn mươi, Quả trứng Mùa đông năm 1913, anh lại thấy căng thẳng.
"Tôi sẽ bắt đầu lô này với giá 20. 000 franc." người xướng giá tuyên bố. Armstrong thấy giá nhanh chóng vượt quá 50. 000, và cuối cùng búa được gõ ở mức giá 120 000 cho một khách hàng giấu tên trả giá qua điện thoại.
Armstrong cảm thấy tay bắt đầu ra mồ hôi khi lô số bốn mốt, Quả trứng Gà trống năm 1896, được khảm ngọc trai và hồng ngọc, ra giá 280. 000 franc. Trong khi bán lô bốn mươi hai, quả trứng màu vàng của Yuberov, anh bắt đầu thấy sốt ruột, liên tục hết nhìn ngưòi xướng giá lại cúi xuống xem cuốn catalô.
Khi người xướng giá gọi đến lô bốn mươi ba, Sharon nắm chặt tay anh và anh cố mỉm cười căng thẳng. Tiếng rì rầm của những cuộc trao đổi lan khắp phòng.
"Lô bốn mươi ba," người xướng giá nhắc lại "Quả trứng kỷ niệm hoàng đế thứ mười bốn. Món đồ duy nhất do Nga Hoàng đặt hàng năm 1914. Hình vẽ do Vasily Zulev thực hiện, và sự tinh tế được coi là một trong số những tác phẩm đẹp nhất của Fabergé. Đã có những mối quan tâm nhất định với lô này, vì vậy tôi sẽ bắt đầu với giá 100. 000 franc."
Tất cả mọi người trong phòng đều im lặng ngoại trừ người xướng giá. Tay phải anh ta nắm chặt cán chiếc búa trong khi chăm chú nhìn xuống những ngưòi dự, cố tìm người trả giá.
Armstrong nhớ lại những điều chỉ dẫn, và mức giá chính xác mà anh nên trả. Nhưng anh vẫn cảm thấy trống ngực đập mạnh khi người xướng giá tuyên bố "150. 000 nghìn," sau đó anh ta quay sang trái, nói: "hiện giờ đã có người trả qua điện thoại 150. 000 franc," anh ta nhắc lại. Anh ta nhìn chăm chú đám khán giả, sau đó một nụ cười hiện lên môi. "Hai trăm nghìn ở giữa phòng." Anh ta ngừng lại và nhìn về phía cô nhân viên trực điện thoại. Armstrong thấy cô thì thầm vào ống nói, và sau đó gật đầu với người xướng giá, anh ta lập tức hưởng ứng "250. 000". Anh ta lại quay về những người ngồi trong phòng, nơi phải có người trả giá khác vì ngay lập tức anh ta lại chuyển cái nhìn chằm chằm về cô nhân viên trực điện thoại, "Đã có người trả 300. 000 franc."
Cô gái thông báo với vị khách của mình giá mới nhất, sau một lát, cô lại gật đầu. Mọi cái đầu trong phòng lại cùng quay về phía người xướng giá như thể họ đang xem quay chậm một trận đấu tennis. "350. 000," anh ta nói, nhìn chằm chằm vào giữa phòng.
Armstrong nhìn xuống catalô. Anh biết đây còn chưa phải là lúc nhập cuộc, nhưng điều đó không làm anh khỏi bồn chồn. "400. 000," người xướng giá nói trong khi gật đầu với cô gái nghe điện thoại. "450. 000 ở giữa phòng." Cô gái trực điện thoại đáp lại ngay lập tức. "500. 000 - 600. 000", người xướng giá nói, cặp mắt anh ta đổ dồn vào phía lối đi ở giữa. Đó là giá Armstrong đã nghe thấy từ trong đám người dự.
Armstrong nghển cổ tới khi cuối cùng anh nhìn thấy người trả giá đó. Cái nhìn của anh chuyển về phía cô gái trực điện thoại, cô lại gật đầu một lần nữa "700. 000," người xướng giá nói một cách thận trọng.
Một người đàn ông ngồi ngay đằng trước anh giơ cuốn catalô lên. "800. 000," người xướng giá tuyên bố.
"Một khách hàng ngồi phía sau." Anh ta quay lại cô gái trực điện thoại đang nói với vị khách hàng giá mới nhất. "900. 000?" anh ta gợi ý, cứ như thể anh đang ve vãn cô. Đột nhiên cô đồng ý. "Tôi đã có giá 900. 000 qua điện thoại," anh ta nói và nhìn người dàn ông phía cuối phòng. "900. 000" người xướng giá nhắc lại. Nhưng lúc này chẳng có ai hưởng ứng.
"Có ai trả cao hơn không?" Người xướng giá hỏi. "Sau đây tôi sẽ bán món đồ này với giá 900. 000. Hãy chú ý." anh ta nói, tay giơ cao chiếc búa. "Lần thứ nhất..."
Khi Armstrong giơ cuốn catalô lên, trông người xướng giá như thể anh ta đang vẫy tay. Nhưng không, anh ta đã lắc đầu
"Người ngồi bên phải đã trả giá mới, một triệu franc." Người xướng giá lại hướng sự chú ý vào cô gái nghe điện.
"1. 100. 000?" người xướng giá nói, chỉ chiếc cán búa vào cô gái trực điện. Armstrong ngồi lặng đi, không biết chắc mình cần phải làm gì tiếp theo, một triệu franc là cái giá mà họ đã thỏa thuận. Mọi người nhìn quanh và đổ dồn cái nhìn về phía anh. Anh vẫn im lặng, biết rằng cô gái sẽ lắc đầu.
Cô gái đã lắc đầu.
"Giá một triệu franc cho người ngồi cạnh lối đi," người xướng giá nói, chỉ về phía Armstrong. "Có ai trả cao hơn không? Vậy tôi sẽ bán món đồ này với giá một triệu franc." Cặp mắt anh ta lướt qua đám khán giả với vẻ hy vọng, nhưng không ai trả lời. Cuối cùng anh ta gõ thịch chiếc búa xuống, nhìn Armstrong, nói. "Bán cho quý ông ngồi cạnh lối đi với giá một triệu franc." Tiếng vỗ tay hoan hô nổi lên khắp phòng.
Sharon lại nắm chặt tay anh. Nhưng trước khi Dick có thể thở phào, một phụ nữ đã quỳ trên sàn ngay bên cạnh anh. "Nếu ngài điền vào tờ khai này, ngài Armstrong, người ở bàn lễ tân sẽ hướng dẫn ngài cách nhận món đồ."
Armstrong gật đầu. Nhưng khi điền xong tờ khai, anh không tới bàn mà lại đi tới chiếc máy điện thoại gần nhất ở ngoài hành lang và quay số máy nước ngoài. Khi có tiếng trả lời, anh nói, "Hãy chuyển máy cho tôi gặp người quản lý." Anh yêu cầu chuyển một triệu franc cho nhà bán đấu giá Sotheby Geneva bằng điện chuyển tiền khẩn, như thoả thuận. "Và hãy làm ngay," Armstrong nói, "vì tôi không muốn bị giữ ở đây lâu hơn mức cần thiết."
Anh đặt máy xuống và qua chỗ cô gái ở bàn lễ tân để giải thích tài khoản sẽ được mở như thế nào, cùng lúc người đàn ông trẻ mặc chiếc sơ mi hở cổ cũng bắt đầu quay số gọi đi nước ngoài, mặc dù anh ta biết rõ mình sẽ làm ông chủ thức giấc.
Townsend ngồi bật dậy và nghe chăm chú. "Tại sao Armstrong lại tiêu một triệu franc cho một quả trứng của Fabergé?" Anh hỏi.
"Tôi cũng chưa thể tìm hiểu được," người đàn ông trẻ nói. "Xin ông kiên trì, anh ta vừa đi lên gác cùng với một cô gái. Tốt hơn là tôi nên bám sát anh ta. Tôi sẽ gọi cho ông ngay khi tôi tìm ra cái mà anh ta muốn đạt tới."
Suốt bữa trưa trong phòng ăn ở khách sạn, trông Armstrong có vẻ lo lắng đến mức Sharon nghĩ rằng không nên nói gì trừ phi anh muốn bắt đầu trò chuyện. Rõ ràng là quả trứng không phải được mua cho cô. Khi đặt tách cà phê sạch nhẵn xuống bàn, anh bảo cô lên phòng thu dọn hành lý, vì anh muốn ra sân bay trong vòng một giờ nữa. "Tôi có một cuộc họp cần phải dự," anh nói, "nhưng nó sẽ không dài lắm."
Khi anh hôn lên má cô ở cửa khách sạn, người đàn ông trẻ mặc chiếc sơ mi hở cổ đã biết anh ta nên đi theo ai trong số họ. "Hẹn gặp em trong khoảng một giờ nữa," anh ta nghe thấy con mồi của mình nói. Sau đó Armstrong gần như chạy bổ xuống chiếc cầu thang rộng dẫn xuống phòng khiêu vũ, nơi cuộc bán đấu giá đang diễn ra. Anh bước thẳng tới chỗ cô gái ngồi sau chiếc bàn dài, kiểm tra món hàng mua được.
"A, ngài Armstrong, rất vui được gặp lại ngài," cô ta nói, tặng anh nụ cười giá một triệu franc. "Tiền của ngài đã tới bằng điện chuyển tiền. Xin ông vui lòng sang phòng bên," cô nói, chỉ vào cánh cửa đằng sau, "ông sẽ có thể nhận món đồ của mình."
"Cảm ơn." Armstrong nói, khi cô chuyển cho anh giấy biên nhận của kiệt tác. Anh quay lại, suýt đâm phải một người đàn ông trẻ đứng ngay sau mình, bước vào văn phòng cô gái vừa chỉ và trình giấy biên nhận cho một người đàn ông mặc chiếc áo choàng dài màu đen đứng sau quầy.
Người nhân viên xem xét cẩn thận mảnh giấy nhỏ, đặt một cái nhìn dò xét lên ngài Armstrong, mỉm cười và lệnh cho nhân viên bảo vệ tìm món hàng của lô bốn mươi ba, quả trứng kỷ niệm hoàng đế năm 1910. Khi người nhân viên bảo vệ quay lại với quả trứng anh ta đã cùng người nhân viên mặc áo choàng đen nhìn đắm đuối món hàng hoa mỹ lần cuối cùng trước khi đưa nó cho vị khách hàng kiểm tra lại. "Khá lộng lẫy, phải không ông?"
"Khá lộng lẫy," Armstrong nhắc lại, bắt lấy quả trứng như thể nó là quả bóng bầu dục bay ra từ một cuộc tranh giành hỗn độn. Anh quay đi mà chẳng thốt lên một lời nào, vì thế không nghe thấy người nhân viên bán đấu giá thì thầm với đồng sự của mình, "Thật lạ là trước kia chưa có ai trong chúng ta tình cờ gặp được ngài Armstrong."
Người gác cửa khách sạn de Bergue bỏ mũ khi Armstrong chui vào ghế sau taxi, hai tay khư khư ôm quả trứng. Anh bảo người lái xe chở tới ngân hàng Banque de Genève, cùng lúc ấy một chiếc taxi trống khác trờ tới. Một người đàn ông trẻ đã gọi nó.
Khi Armstrong bước vào ngân hàng, nơi anh chưa tới bao giờ, anh được tiếp đón bởi một người đàn ông gầy, cao, trông rất bí ẩn trong chiếc áo buổi sáng. Ông ta chậm chạp cúi chào và nói rằng ông ta đang đợi anh. Ông ta chẳng hỏi xem anh có muốn ông ta mang hộ quả trứng hay không.
"Xin mời ngài đi theo tôi?" Ông ta nói bằng tiếng Anh, dẫn Armstrong băng qua căn phòng lát đá cẩm thạch tới chiếc thang máy đang đợi sẵn. Tại sao ông ta biết mình là ai? Armstrong tự hỏi. Họ bước vào thang máy và cửa đóng lại. Chẳng ai trong số họ nói lời nào khi lên đến tầng trên cùng. Cánh cửa mở ra và người đàn ông mặc áo choàng dẫn anh vào một hành lang rộng trải thảm dày cho tới khi đến cánh cửa cuối cùng. Ông ta thận trọng gõ mấy tiếng, mở cửa ra và thông báo, "Ngài Armstrong".
Một người đàn ông mặc bộ complê kẻ sọc màu hồng, cổ áo hồ cứng và thắt nơ màu xám bạc bước về phía anh và tự giới thiệu là Pierre de Montiaque, Giám đốc điều hành của ngân hàng. Ông ta quay lại và hướng về một ngưòi đàn ông khác ngồi ở phía bên kia chiếc bàn họp rộng, sau đó bảo vị khách ngồi vào chiếc ghế trống trước mặt mình. Armstrong đặt quả trứng của Fabergé lên giữa bàn, và Alexander Sherwood đứng dậy, bước tới bắt tay anh thân mật.
"Gặp lại anh thật tốt quá," ông nói.
"Cả ông cũng vậy," Armstrong trả lời và mỉm cười. Anh ngồi xuống ghế và nhìn người đàn ông mà anh giao dịch ở Paris.
Sherwood cầm quả trứng kỷ niệm hoàng đế năm 1910 và xem xét kỹ lưỡng. Một nụ cười hiện lên trên mặt ông. "Nó sẽ là niềm hãnh diện cho bộ sưu tập của tôi, và chẳng có lý do gì để ông anh trai và bà chị dâu tôi nghi ngờ." Ông ta mỉm cười lần nữa và gật đầu về phía người chủ ngân hàng, người này mở ngăn kéo và rút ra một văn bản đưa cho Armstrong.
Arrmstrong xem bản thỏa thuận mà Stephen Hallet đã thảo cho anh trước khi anh bay tới Paris vào tuần trước. Khi kiểm tra lại thấy không có gì thay đổi, anh ký vào cuối trang thứ năm rồi đẩy nó qua bàn. Sherwood tỏ ra chẳng quan tâm tới việc kiểm tra lại các điều khoản, ông chỉ xoay lại trang cuối và ký vào bên cạnh cái tên Richard Armstrong.
"Như vậy tôi có thể xác nhận rằng hai bên dã thỏa thuận?" Viên giám đốc ngân hàng nói. "Hiện tôi đang giữ 20 triệu đô la tiền ký quỹ, và chỉ đợi chỉ thị của ngài Armstrong để chuyển nó vào tài khoản của ngài Sherwood."
Armstrong gật đầu. Hai mươi triệu đô la là khoản tiền mà Alexander và Margaret Sherwood đồng ý nhận cho một phần ba cổ phần của Alexander trong tờ Globe, hiểu rõ là sau đó cô ta được một khoản tiền như vậy cho một phần ba cổ phần của mình. Điều mà Margaret Sherwood không biết là Alexander đã đòi một sự trả ơn nho nhỏ cho vụ giao dịch này: một quả trứng do Fabergé làm, nó không được ghi trong bất kỳ điều khoản nào của bản hợp đồng.
Armstrong có thể đã tiêu hơn một triệu franc để bắt đầu hợp đồng, nhưng giờ đây anh đã sở hữu 33. 3 phần trăm một tờ báo toàn quốc đã từng là tờ nhật báo ăn khách nhất thế giới.
"Vậy là công việc của chúng ta đã kết thúc," de Montiaque nói, đứng dậy khỏi chỗ ngồi ở đầu bàn.
"Chưa hoàn toàn," Sherwood nói, vẫn ngồi nguyên tại chỗ. Viên giám đốc điều hành ngồi xuống, không mấy vui vẻ. Amstrong ngọ ngoạy trong ghế. Anh có thể cảm thấy mồ hôi chảy trong cổ áo.
"Vì ngài Armstrong đã cộng tác tích cực như vậy," Sherwood nói, "tôi cho rằng tôi cũng nên đối xử đẹp với ông ấy." Vẻ mặt của họ cho thấy cả Armstrong và de Montiaque đều không chuẩn bị cho sự kiện bất thường này. Rồi Alexander Sherwood để lộ một mẩu thông tin cần lưu ý trong di chúc của cha ông, điều này làm môi Armstrong nở một nụ cười.
Ít phút sau khi rời ngân hàng quay về Le Richmond, anh tin rằng một triệu franc của anh đã được tiêu đúng chỗ.
oOo
Townsend không bình luận gì khi lần thứ hai trong đêm anh bị dựng dậy đúng lúc đang ngủ say. Anh nghe chăm chú và thì thào trả lời vì sợ Kate thức giấc. Khi đặt ống nghe xuống, anh không thể ngủ lại được nữa. Tại sao Armstrong lại bỏ ra một triệu franc để mua một quả trứng Fabergé, mang nó tới một ngân hàng Thụy Sĩ, và sau đó một giờ đi ra tay không?
Chiếc đồng hồ treo trên đầu giường nhắc anh bây giờ mới là 3 giờ 30 phút sáng. Anh nằm xuống ngắm Kate đang ngủ yên. Ý nghĩ của anh lan man từ nàng sang Susan; rồi quay lại Kate, nàng đã đổi khác biết bao; rồi anh nghĩ đến mẹ, liệu bà đã hiểu được anh chưa; và sau đó lại quay lại Armstrong, và làm thế nào để anh biết được anh ta đã đạt được cái gì.
Khi cuối cùng, tỉnh dậy rất muộn vào sáng hôm sau, Townsend vẫn chưa nghĩ ra cách giải quyết vấn đề hắc búa này. Anh sẽ vẫn bế tắc nếu vài ngày sau đó không nhận được một cú điện thoại của một phụ nữ ở London.

No comments:

-->