iylee © 2016 ⊹

Blog Archive

Wednesday, May 11, 2016

Vượt Lên Hàng Đầu - Chương 5

Hiến pháp nước Anh vẫn còn là một trong những điều bí mật lớn đối với hầu hết những người không sinh ra trên hòn đảo đó ở Biển Bắc, và đối với một số đáng kể những người chưa bao giờ rời khỏi bờ biển đó. Điều này có lẽ một phần bởi vì, không giống như người Mỹ, người Anh đã không có hiến pháp viết thành chữ kể từ Magna Carta 1 năm 1215 và kể từ đó đã hành động chỉ theo tiền lệ.
Một vị Thủ tướng được bầu ra cho một nhiệm kỳ năm năm, nhưng ông ta có thể giải tán Nghị viện và tổ chức Tổng tuyển cử bất kỳ khi nào ông ta nghĩ thích hợp, điều đó hiển nhiên có nghĩa là khi ông ta cho rằng ông có cơ may tốt nhất thắng được một cuộc Tổng tuyển cử. Nếu Chính phủ hiện tại có một đa số lớn trong Hạ nghị viện, toàn bộ cử tri thường nghĩ là nên cho Chính phủ cầm quyền trong tối thiểu bốn trong số năm năm. Trong hoàn cảnh như thế "ra đi sớm" sẽ bị cử tri xem là cơ hội chủ nghĩa và vì lý do đó thường gặp phải thất bại. Nhưng khi đa số của một đảng trong Hạ nghị viện không lớn, như trường hợp Chính phủ đảng Lao động của Harold Wilson, báo chí không bao giờ ngừng suy đoán về ngày bầu cử lần tới.
Phương pháp duy nhất mà phe đối lập dùng để loại bỏ phe Chính phủ trước nhiệm kỳ năm năm là đòi hỏi phải có một cuộc bầu cử "bất tín nhiệm" trong Hạ nghị viện. Nếu phe Chính phủ thất bại, Thủ tướng phải triệu tập một cuộc bỏ phiếu trong vòng mấy tuần, - điều đó rất có thể không có lợi cho ông ta. Theo luật, Nhà vua có quyền quyết định sau cùng, trong hai trăm năm qua các Vị vua và Nữ hoàng của nước Anh chỉ biết gật đầu đồng ý quyết định của Thủ tướng, mặc dầu họ vẫn quen với việc phê phán.
Vào năm 1966 Harold Wilson chỉ còn rất ít khả năng chọn lựa. Đối chiếu với đa số của ông chỉ là bốn, tất cả mọi người biết sẽ không còn bao lâu nữa ông phải triệu tập một cuộc Tổng tuyển cử. Trong tháng Ba năm 1966 ông xin yết kiến với Nữ hoàng và Nữ hoàng đã đồng ý giải tán Nghị viện ngay lập tức. Chiến dịch bầu cử khởi sự từ ngày hôm sau.
- Em sẽ thích thú chuyện này, - Simon nói trong lúc anh bước lên cánh cửa đầu tiên.
Elizabeth vẫn còn lưỡng lự, nhưng không thể có cách gì hay hơn để tìm hiểu xem chính trị của người dân thường là như thế nào. Nàng đã xin nghỉ phép mấy ngày để theo Simon đến Conventry. Nàng chưa hề có ý nghĩ nàng có thể yêu một chính trị gia, nhưng nàng phải nhìn nhận rằng vẻ hấp dẫn thu hút phiếu của anh đang tỏ ra không cưỡng lại được so với thái độ ân cần đối với người bệnh của những bạn đồng nghiệp của nàng.
Simon Kerslake, với một đa số nhỏ bé như thế để chống giữ, bắt đầu dùng thì giờ rãnh rỗi trong đơn vị cử tri Conventry của anh. Dân chúng địa phương dường như hài lòng với việc học nghề của thành viên mới của họ, nhưng các nhà thống kê không vụ lợi cho thấy rõ rằng một sự dịch chuyển thấp hơn 1 phần trăm sẽ đẩy anh ra khỏi Hạ nghị viện trong năm năm nữa. Tới lúc đó những đối thủ của anh sẽ ở trên bậc thang thứ hai.
Viên Trưởng ban tổ chức đảng Bảo thủ khuyên Simon nên ở lại bên trong Conventry và đừng tham gia bất cứ công việc nào khác của Nghị viện.
- Sẽ không có những vấn đề nào quan trọng hơn giữa lúc này và lúc bỏ phiếu, - ông ta đảm bảo với anh. – Điều đáng giá nhất anh có thể làm là thu được nhiều phiếu trong đơn vị cử tri, chứ không phải cho phiếu ở Westminster.
Đối thủ của Simon là thành viên cũ, Alf Abbott, người đã dần dần tin tưởng vào thắng lợi trong lúc khắp nước nghiêng về phía đảng Lao động trong chiến dịch vận động. Đảng Tự do nhỏ hơn đưa ra một ứng cử viên, Nigel Bainbridge, nhưng anh công khai thừa nhận rằng anh ta chỉ có thể đứng hàng thứ ba.
Trong vòng vận động đầu tiên của họ, Elizabeth mặc bộ đồ độc nhất của nàng mà nàng đã mua khi nàng được phỏng vấn cho công việc ở bệnh viện đầu tiên của nàng. Simon say mê ý thức đúng đắn của nàng, và trong lúc bộ đồ của Elizabeth làm hài lòng các mệnh phụ trong đơn vị cử tri, mái tóc vàng và dáng người thon thả của nàng vẫn còn làm cho báo chí địa phương muốn chụp hình nàng.
Danh sách người dân trong khu phố ở trên một tấm thiếp trong túi của Simon.
- Chào bà Foster. Tên tôi là Simon Kerslake. Tôi là ứng cử viên đảng Bảo thủ của bà.
- Ồ, vui mừng được gặp ông. Tôi có rất nhiều điều cần thảo luận với ông.
- Xin mời ông vào nhà và dùng một tách trà?
- Bà tử tế quá, thưa bà Foster, nhưng tôi phải đi rất nhiều nơi trong mấy ngày sắp tới.
Khi cánh cửa đóng lại, Simon gạch một lần đỏ qua tên bà ta trên tấm thiếp của anh.
- Anh làm sao có thể chắc chắn bà ta là một người ủng hộ đảng Lao động? – Elizabeth hỏi. – Bà ta có vẻ hết sức tốt bụng.
- Những người ủng hộ đảng Lao động được huấn luyện mời tất cả ứng cử viên khác vào uống trà và làm mất thời giờ của họ. Phe chúng ta sẽ luôn luôn bảo: " Tôi sẽ bầu cho ông, xin đừng mất thời giờ với tôi và nên tiếp tục tìm đến những người không thật sự gắn bó với ông".
Elizabeth không thể che dấu vẻ hoài nghi.
- Điều đó chỉ xác nhận những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của em về các chính trị gia, - nàng nói. – Sao em lại yêu một người như thế?
- Có lẽ em đã lầm tưởng anh là một bệnh nhân của em.
- Bệnh nhân của em không kể với em họ đã gãy tay khi họ sắp mù, - nàng nói.
Người láng giềng sát bên cạnh bà Foster nói:
- Tôi luôn luôn bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ.
Simon gạch một lằn xanh qua các tên và gõ cửa kế tiếp.
- Tên tôi là Simon Kerslake và tôi …
- Tôi biết anh là ai, anh bạn trẻ, và tôi không tham gia vào trò chính trị của anh.
- Tôi có thể hỏi ông sẽ bỏ phiếu cho ai? – Simon hỏi.
- Đảng Tự do.
- Tại sao? – Elizabeth hỏi.
- Bởi vì tôi tin tưởng vào việc ủng hộ phe yếu.
- Nhưng thế thì lãng phí mất một phiếu bầu.
- Chắc chắn không. Lloyd Grorge 2 là Thủ tướng vĩ đại nhất của thế kỷ này.
- Nhưng… - Elizabeth xen lời với vẻ nhiệt tình.
Simon liền đặt một bàn tay lên cánh tay của nàng.
- Cảm ơn ông đã dành thời giờ cho chúng tôi, - anh nói và khẽ thúc đẩy Elizabeth ra ngoài đường.
- Anh rất lấy làm tiếc, Elizabeth, - Simon nói, khi họ đã ở trên vỉa hè. – Một khi họ nhắc đến cái tên Lloyd Gerorge thì chúng ta không còn cơ may nào: hoặc họ là người dân xứ Wales hoặc họ có trí nhớ hết sức tốt.
Anh gõ cửa kế tiếp.
- Tên tôi là Simon Kerslake và tôi …
- Đi đi, đồ luồn cúi, - câu trả lời quật lại.
- Ông gọi ai là đồ luồn cúi? – Elizabeth trả đũa trong lúc cánh cửa đóng sầm vào mặt họ và nàng nói tiếp – Một con người duyên dáng.
- Xin đừng giận, bác sĩ Drummond. Ông ta ám chỉ tôi, chứ không phải bác sĩ đâu.
- Em phải đánh dấu tên ông ta như thế nào?
- Một dấu hỏi. Không sao biết ông ta bỏ phiếu cho ai. Có lẽ không chịu bỏ cho ai cả.
Anh thử cửa kế tiếp.
- Chào Simon, - một phụ nữ mặt đỏ au nói trước khi anh có thể mở miệng, - Xin đừng mất thời giờ với tôi. Tôi sẽ luôn luôn bỏ phiếu cho anh.
- Cảm ơn bà Irvine, - Simon vừa nói vừa kiểm tra bản danh sách nhòe của anh rồi chỉ tay hỏi – Người bạn láng giềng kề cận của bà như thế nào?
- A, ông ta là một cái bị già nua dễ cáu giận, nhưng tôi nghĩ ông ta sẽ đến được nơi bầu cử đúng ngày và bỏ phiếu đúng thùng. Tuy vậy ông ta cũng không đến nỗi nào, nếu không tôi sẽ ngừng trông nom con chó đua của ông ta mỗi khi ông ta đi vắng.
- Cảm ơn bà rất nhiều, bà Irvine.
- Một vạch xanh nữa, - Simon nói.
- Và anh có thể kiêm cả phiếu của con chó đua.
Họ đi được bốn đường phố trong ba tiếng đồng hồ kế tiếp, và Simon chỉ gạch các lằn xanh qua những cái tên anh chắc chắn sẽ ủng hộ anh vào ngày bầu cử.
- Tại sao anh phải chắc chắn như thế? – Elizabeth hỏi.
- Bởi vì khi chúng ta điện thoại cho họ đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử chúng ta không muốn nhắc nhở tới phe đối lập, huống hồ cho một người nào đó đi dạo một vòng để rồi hắn ta khoan khoái bỏ phiếu cho đảng Lao động.
Elizabeth bật cười.
- Chính trị thật hết sức bất lương.
- Em hãy sung sướng vì em không phải đi chơi với một Thượng nghị sĩ Mỹ, - Simon vừa nói vừa gạch một lằn xanh khác qua cái tên cuối cùng trong khu phố. – Tối thiểu chúng ta không cần phải là triệu phú mới chạy đua được.
- Có lẽ em sẽ thích thành hôn với một triệu phú, - Elizabeth mỉm cười nói.
- Với tiền lương của một Nghị viên anh sẽ phải mất hai trăm bốn mươi hai năm mới đạt tới.
- Em không chắc em có thể đợi lâu như thế.
Bốn ngày trước cuộc bầu cử, Simon và Elizabeth đứng trong cánh gà phía sau sân khấu của Tòa Thị chính Conventry với Alf Abbott, Nigel Bainbridge và các bà vợ của họ để tham dự một cuộc thảo luận công khai. Cả ba cặp đều nói chuyện không được tự nhiên. Phóng viên chính trị tờ Conventry Evening Telegraph giữ cương vị chủ tịch, giới thiệu từng nhân vật chính trong lúc họ bước lên sân khấu, để được vỗ tay hoan nghênh từ nhiều khu của gian đại sảnh.
Simon nói trước, lôi cuốn sự quan tâm của khán giả trong hơn hai mươi phút. Những người cố gắng chất vấn anh cuối cùng đều hối tiếc vì đã lôi cuốn sự chú ý cho chính họ. Không hề tham khảo ghi chú một lần nào, anh trích dẫn những con số và điều khoản trong nhiều đạo luật của Chính phủ một cách thoải mái khiến Elizabeth phải khâm phục. Trong các câu hỏi kế tiếp, Simon đã một lần nữa tỏ ra đã có kiến thức hơn hẳn Abbott và Bainbridge, nhưng anh biết rằng gian đại sảnh chật ních chỉ chứa được bảy trăm người trong buổi chiều giá lạnh tháng Ba, trong lúc ở nơi khác trong Conventry còn có năm chục nghìn cử tri nữa, hầu hết trong số họ dán mắt vào máy truyền hình xem chương trình Ironside.
--- ------ ------ ------ -------
1 Magna Carta: đặc quyền mà vua John của nước Anh đã bị các hàm tước Anh ép buộc công nhận ở Runnymede ngày 15-6-1215 theo truyền thống được hiểu là đảm bảo các quyền tự do về dân sự và chính trị.
2 David Lloyd George: Thủ tướng Anh 1916-1922.

No comments:

-->